Banner
  • Banner 1
  • Banner2

Trái cây nội thua trái cây ngoại trên sân nhà - nguyên nhân tại sao?



Trong lúc nhiều loại trái cây nội đang rớt giá hàng ngày, thì ngay tại biên giới Tây Nam, trái cây Thái Lan vẫn ồ ạt nhập về nước ta. Chỉ tính riêng tại chợ biên giới Châu Đốc, Tịnh Biên, An Phú (An Giang) trái cây Thái Lan đã chiếm ưu thế tuyệt đối.

Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, hàng ngày, xe tải chở trái cây ngoại xếp hàng dài chờ làm thủ tục đưa từ Campuchia vào Việt Nam. Bãi đất trống gần trạm biên phòng (phía Campuchia) lúc nào cũng có hàng chục xe ba gác của thương lái Campuchia, chất đầy trái cây tập kết. Những thùng trái cây được đóng gói khá kỹ, in chữ Thái nhanh chóng được chuyển qua những xe lôi, xe tải của thương lái Việt Nam.

Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh An Giang, hàng ngày, có hàng trăm tấn trái cây ngoại được nhập về sau đó phân phối đi khắp ĐBSCL, TPHCM thậm chí ra tận miền Trung, miền Bắc. Những loại trái cây xuất xứ Thái Lan có: măng cụt, sầu riêng, bòn bon, me, xoài,… Tính bình quân mỗi ngày trái cây từ Campuchia về Việt Nam hàng chục tấn các loại, được bày bán khắp nơi, thậm chí có mặt trên các kệ hàng trưng bày của các siêu thị lớn trong cả nước.

So với trái cây trong nước, trái cây Thái Lan rẻ hơn nhiều nhưng “đánh” vào tâm lý sính ngoại nên khi đưa về các tỉnh khác, thương lái thường nâng giá cao lên gấp 2 - 3 lần. Vào thời điểm hiện tại, giá trái cây các loại như bòn bon, me, măng cụt đều 35.000 đồng/kg, nhưng quan trọng là nhiều người vẫn mua, họ thích trái cây Thái vì vừa ngon, đẹp, nếu có đem cho, tặng cũng lịch sự hơn trái cây của ta.

Trong khi đó, giá trái cây ở các tỉnh ĐBSCL trồi sụt thất thường, nhất là những loại trái cây “cấp thấp” như chôm chôm, thanh long, ổi… giá cao lắm cũng chỉ được 6000đ/kg, bán thành đống trên các vỉa hè, các kệ hàng lụp xụp nên giá trị trái cây cũng mất giá theo. Mặc dù vào thời điểm này, nhiều loại trái cây ĐBSCL đang đến mùa thu hoạch, nhưng các nhà vườn chỉ biết nhìn vườn cây ăn trái mà ngao ngán lắc đầu. Cách đây vài tháng, các thương lái còn đến tận vườn, gạ gẫm mua với giá kha khá, bây giờ giá xuống thấp, bán rẻ cũng ế hàng.

Cũng cùng cảnh ngộ, những trái cây nội thuộc hàng đặc sản như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn, bòn bon, cam sành, giá lại quá đắt, bình quân từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, rất ít người mua. Nguyên nhân do đâu mà trái cây nội bị ế hàng, trái cây ngoại lại được giá (?)

Qua ghi nhận từ thực tế cho thấy, hầu hết các loại trái cây có xuất xứ từ nước ngoài nhất là Thái Lan nhập qua biên giới Tây Nam đều có giá rẻ hơn so với trái cây nội cùng loại. Hiện giá măng cụt, bòn bon loại ngon nhất mua tại vựa bên Campuchia khoảng 1 USD/kg đem về Việt Nam bán 25.000 - 30.000 đồng/kg rẻ hơn từ 10.000 – 15.000 đồng so với trái nội. Xoài, me Thái giá từ 0,6 USD - 0,8 USD/kg, giá bán tại chợ Châu Đốc khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg. Ngoài ra sầu riêng Monthoong (Thái Lan), sầu riêng Campot (Campuchia) hạt lép, cơm vàng chỉ khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg thấp hơn giá 35.000 – 40.000 đồng của sầu riêng ta.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu thị trường, thực chất trái cây nội không đắt hơn trái cây ngoại. Sở dĩ, nhiều loại trái cây đặc sản trên thị trường giá cao là vì có quá nhiều lớp trung gian hưởng lợi trong quá trình đưa trái cây từ vườn đến tay người tiêu dùng. Người nông dân bán cho thương lái giá rất rẻ, thương lái bán cho chủ vựa ở địa phương, rồi bán đi các vựa ở nơi khác, sau đó bán cho sạp, sạp lại bán cho người buôn lẻ… Cứ thế, trong chuỗi vận chuyển này, mỗi người đều nâng giá để hưởng lời đến khi trái cây đến tay người tiêu dùng thì giá đã bị đẩy lên cao ngất ngưởng gấp mấy lần so với giá gốc, chỉ riêng giá sầu riêng đã lên đến 40.000 – 50.000đồng/kg – quả là một điều bất thường...

Cũng theo những báo cáo phân tích nghiên cứu thị trường có uy tín, sở dĩ trái cây Thái Lan giá thấp là vì công nghệ sản xuất và quá trình tiêu thụ sản phẩm của họ rất gọn nhẹ, ít chi phí, lợi nhuận không phải chia cho nhiều người nên giá rất ổn định và không quá cao. Trong khi ở ĐBSCL, nhiều khách hàng nước ngoài đặt mua trăm tấn trái cây mỗi đợt, không biết kiếm đâu ra sản phẩm đồng bộ cho họ. Hơn nữa nhiều sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, thế là đành phải hủy bỏ hợp đồng, các nhà vườn chỉ còn biết cách bán lẻ hoặc bán với giá rẻ cho các thương lái mà thôi.

Thực tế, bao năm nay, nông dân ĐBSCL vẫn trồng cây theo phong trào, ai trồng gì mình trồng nấy, diện tích phân tán nhỏ lẻ, manh mún. Để rồi năm nào cũng có chuyện nông dân khổ sở vì rớt giá hay bị thương lái chèn ép. Thiết nghĩ, đã đến lúc các địa phương phải có quy hoạch cụ thể từng vùng trái cây chuyên canh theo thế mạnh từng nơi, tiến tới hình thành những vùng nông nghiệp công nghệ cao; tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Có như vậy, trái cây nội mới mong có được chất lượng, đồng bộ, giá ổn định, để không bị lép vế trên “sân nhà”, nông dân cũng không phải canh cánh lo giá cả mỗi khi đến vụ thu hoạch.

Thực tế, bao năm nay, nông dân ĐBSCL vẫn trồng cây theo phong trào, ai trồng gì mình trồng nấy, diện tích phân tán nhỏ lẻ, manh mún. Để rồi năm nào cũng có chuyện nông dân khổ sở vì rớt giá hay bị thương lái chèn ép. Thiết nghĩ, đã đến lúc các địa phương phải có quy hoạch cụ thể từng vùng trái cây chuyên canh theo thế mạnh từng nơi, tiến tới hình thành những vùng nông nghiệp công nghệ cao; tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Có như vậy, trái cây nội mới mong có được chất lượng, đồng bộ, giá ổn định, để không bị lép vế trên “sân nhà”, nông dân cũng không phải canh cánh lo giá cả mỗi khi đến vụ thu hoạch.

Theo www.nongnghiep.vinhlong.gov.vn